Chuyển đổi số – Động lực bứt phá cho ngành logistics Việt Nam

Chuyển đổi số đang trở thành yếu tố then chốt giúp ngành logistics Việt Nam tăng tốc phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình này chỉ phát huy hiệu quả khi đi kèm với giải pháp an toàn thông tin toàn diện.

logistics-viet-nam

Giảm 90% hàng hóa thất lạc nhờ ứng dụng công nghệ số

Tại hội thảo “Chuyển đổi số và An ninh mạng cho ngành logistics” diễn ra sáng 13/6 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), các chuyên gia đã chỉ ra tiềm năng lớn của công nghệ trong việc cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, nhận định: Dịch vụ logistics hiện nay không chỉ dừng ở vận chuyển hàng hóa, mà đã trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Việt Nam, quy mô ngành logistics ước tính đạt từ 40 - 52 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, dữ liệu phân tán, thiếu minh bạch, hệ thống quản lý rời rạc vẫn là “nỗi đau” khiến chi phí vận hành cao và dịch vụ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Ông Huy nhấn mạnh: “Nhờ chuyển đổi số, doanh nghiệp logistics có thể giám sát chuỗi cung ứng 24/7, theo dõi vị trí hàng hóa theo thời gian thực, tối ưu kho bãi và giảm đến 90% tình trạng thất lạc, đồng thời tiết kiệm hơn 15% chi phí vận chuyển.”

Chuyển đổi số – Chìa khóa cho “logistics xanh”

Cao Cẩm Linh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết: Bên cạnh hiệu quả vận hành, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn logistics xanh – yêu cầu bắt buộc từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

“Doanh nghiệp chưa kịp lớn thì đã phải ‘mặc áo xanh’: từ bao bì, vận hành kho bãi, tiêu chuẩn carbon đến minh bạch nguồn gốc – tất cả đều đòi hỏi chuyển đổi số,” bà Linh chia sẻ.

Theo bà, công nghệ số không chỉ hỗ trợ giảm phát thải CO₂ mà còn tạo nền tảng cho mô hình vận hành tuần hoàn, thân thiện với môi trường và đáp ứng yêu cầu khắt khe từ đối tác quốc tế.

Đảm bảo an toàn thông tin – Yếu tố sống còn khi số hóa

Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng chuyển đổi số cũng kéo theo rủi ro an ninh mạng. Ông Hồ Trọng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn Thông tin, Tập đoàn VNPT, cho biết: Các doanh nghiệp logistics, với hạ tầng kết nối rộng khắp, đang trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc.

Thực tế, có những cuộc tấn công mạng chỉ diễn ra trong vài giờ, khai thác lỗ hổng bảo mật hoặc mật khẩu rò rỉ từ nhiều năm trước. “Với tốc độ này, không thể chỉ dựa vào con người, mà cần có hệ thống giám sát, cảnh báo sớm và tự động xử lý sự cố,” ông Đạt nhấn mạnh.

Ông cũng dẫn chứng một doanh nghiệp logistics mà VNPT hỗ trợ đã ghi nhận hơn 16 tỷ sự kiện an toàn thông tin mỗi năm, với 350 sự cố nghiêm trọng được ngăn chặn kịp thời. Đáng chú ý, các sự cố không chỉ phát sinh ở trung tâm dữ liệu, mà còn từ hành vi bất cẩn của nhân viên giao hàng khi tải phần mềm không rõ nguồn gốc hoặc nhấp vào liên kết giả mạo.

Một chương trình huấn luyện nhận thức an ninh mạng kéo dài 4 năm đã giúp tỷ lệ nhân viên bị lừa qua email giả mạo giảm từ 15% xuống chỉ còn 2% – minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc nâng cao nhận thức bảo mật thông tin.

Chuyển đổi số chính là chìa khóa để ngành logistics Việt Nam bứt phá, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững. Tuy nhiên, để quá trình số hóa đạt hiệu quả tối đa, các doanh nghiệp cần đầu tư bài bản cho an toàn thông tin, nâng cao nhận thức bảo mật cho nhân sự, từ đó duy trì hệ thống vận hành ổn định và phát triển lâu dài.

trong Tin tức
Để Nông Sản Việt Vươn Xa Trên Thị Trường Quốc Tế